Theo quyết định mới nhất mà Bộ Công Thương ban hành, mức thuế tạm thời đối với phôi thép hiện là 23,4%, thép dài là 14,3% dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung. Trước đó, thuế nhập khẩu chỉ ở mức 10% đối với phôi thép và 0% – 5% với thép dài. Ngay sau khi có quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam của Bộ Công Thương, giá thép trong nước tăng mạnh và thị trường xuất hiện hiện tượng găm hàng, đầu cơ.
Theo Bộ Công Thương, đây có thể là hiện tượng xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn do tâm lý tích trữ của các nhà nhập khẩu và các doanh nghiệp tiêu thụ thép trên thị trường.
Khi bất động sản bước vào giai đoạn sôi động nhất năm thì cũng là lúc thị trường đối mặt với nhiều yếu tố tăng giá như giá vật liệu, giá vốn…đều tăng. Đại diện một số doanh nghiệp bất động sản cho rằng, biến động về giá thép là yếu tố đầu tiên tác động đến giá nhà.
Mặc dù vậy, giá thép tăng mạnh cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp địa ốc cũng như các nhà thầu xây dựng, gây tâm lý hoang mang trong thời gian vừa qua. Bởi thép và xi măng là hai loại vật liệu đóng vai trò quan trọng trong việc cấu thành sản phẩm đặc biệt là khi dự án đang triển khai xây dựng phần móng và phần trụ của dự án.
Giá thép tăng lên sẽ buộc các doanh nghiệp đầu tư xây dựng phải có sự cân đối về mức giá chào bán ra thị trường vì khi giá đầu vào tăng cao thì giá bán ra cũng phải tăng lên để cân đối lợi nhuận cho doanh nghiệp. Do đó, giải pháp mà các nhà thầu này đưa ra là với các dự án đang dự thầu bắt buộc phải tăng giá.
Theo đại diện một công ty xây dựng, trong cấu thành giá sản phẩm, thép và xi măng thường chiếm khoảng 30% – 40%. Do đó khi giá thép tăng đột biến chắc chắn sẽ kéo theo giá nhà tăng và làm vỡ kế hoạch kinh doanh, thậm chí gây lỗ nặng cho nhà đầu tư. Đối với nhà ở xây dựng riêng lẻ, thép cũng chiếm khoảng 20% tổng giá trị phần thô, vì vậy chắc chắn giá thép tăng sẽ ảnh hưởng đến thị phần này. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều nhà thầu không muốn nhận thêm các công trình phải thi công phần móng, vì công đoạn này phải sử dụng quá nhiều thép và vật liệu xây dựng khác.
Ông Lê Hữu Nghĩa, TGĐ Công ty Xây dựng Lê Thành cho biết, khi thép tăng giá trong giai đoạn ngắn hạn thì nhà thầu sẽ là người chịu hậu quả vì hầu hết các dự án đang xây dựng trong giai đoạn này đều giao hết cho nhà thầu nên tạm thời đơn giá sản phẩm bất động sản chưa có gì biến động.
Tuy nhiên nếu thị trường thép vẫn tiếp tục giữ mức tăng này, trong tháng sau chủ đầu tư chắc chắn sẽ phải chia sẻ rủi ro đó với nhà thầu. Điều đó cũng có nghĩa là chủ đầu tư các dự án sẽ phải tính toán lại giá bán căn hộ nên chắc chắn có sự thay đổi.
Bên cạnh đó, sẽ có tác động dây chuyền, giá thép nguyên liệu tăng cũng sẽ kéo theo nhiều loại vật liệu, phụ kiện… có liên quan đến đầu vào là thép tăng theo. Tác động dây chuyên nãy đồng thời sẽ khiến nguyên liệu đầu vào của xây dựng nhà lên một mặt bằng mới.
Chi phí vật tư đầu vào để xây dựng nhà ở hiện đang trong thời gian tăng giá mạnh, đặc biệt là giá thép. Tình trạng này khiến các doanh nghiệp xây dựng và bất động sản 'đứng ngồi không yên'. Vì một khi giá thép tăng sẽ gây tác động đến sự hoạt động và thanh khoản của bất động sản, giá tăng thì nhu cầu trên thị trường bất động sản có thể sẽ theo xu hướng chờ đợi giá hạ xuống. Còn về phía người dân mua nhà thời điểm này sẽ phải chịu giá đắt đỏ.