Công trình Cầu Nhơn Trạch nằm trong dự án đầu tư đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch (giai đoạn 1), thuộc Dự án đường Vành đai 3 TP HCM với tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng sẽ bắc qua Đồng Nai nối TP HCM. Công trình hạ tầng này được triển khai nhằm giúp giảm áp lực giao thông và tăng liên kết vùng cho các tỉnh trọng điểm phía Nam gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương.
Bên cạnh cầu Cát Lái, cầu Nhơn Trạch cũng là sự mong đợi của người dân Đồng Nai và TP.HCM trong suốt thời gian qua nhằm giúp đi lại dễ dàng giữa hai tỉnh đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế cũng như lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn.
Tổng quan Dự án xây dựng cầu Nhơn Trạch nối TP.HCM và Đồng Nai
- Tên công trình: Cầu Nhơn Trạch
- Vị trí: bắc qua sông Đồng Nai nối quận 9, TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.
- Chủ đầu tư: Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (Bộ Giao thông Vận tải)
- Tổng vốn đầu tư: 2.200 tỷ đồng.
- Quy mô: dài hơn 2 km, rộng 19,5 m cho 6 làn xe.
- Thiết kế: Cầu có tĩnh không cao 30,5 m với thiết kế khoang thông thuyền 110 m đáp ứng tàu tải trọng 5.000 tấn chạy phía dưới.
- Dự kiến thời gian khởi công: năm 2021.
- Dự kiến thời gian hoàn thành: năm 2024.
Mục đích dự án xây dựng Cầu Nhơn Trạch
Việc xây cầu Nhơn Trạch giúp rút ngắn hành trình từ Đồng Nai đến TP HCM và Bình Dương. Cầu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, giảm áp lực giao thông ở cầu Đồng Nai và các tuyến đường nội đô TP HCM.
Ngoài ra, dự án cũng góp phần hoàn chỉnh hệ thống đường Vành đai 3 theo quy hoạch chi tiết được Thủ tướng phê duyệt nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ.
Bên cạnh đó, cầu Nhơn Trạch kết nối TP.HCM với Đồng Nai sẽ là một động lực thúc đẩy thị trường bất động sản tại những khu vực này “bùng nổ”.
Hiện nay, Nhơn Trạch mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển, quỹ đất còn nhiều, lại kế bên TP.HCM nhưng lại chưa được kết nối giao thông đồng bộ.
Theo nhiều chuyên gia trong ngành, Nhơn Trạch vẫn được đánh giá là một vùng đất có rất nhiều tiềm năng phát triển. Vị trí địa lý là trung tâm kết nối giữa TP.HCM – Đồng Nai – Vũng Tàu và Long An, cho thấy chỉ cần phát triển hạ tầng giao thông đúng mức, Nhơn Trạch sẽ phát triển nhanh. Do đó, việc người dân, ngành chức năng hay nhiều nhà đầu tư mong chờ cầu Nhơn Trạch được xây dựng là điều khá thực tế.
Việc hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng không chỉ giúp giải bài toán kết nối giao thông giữa hai khu vực cửa ngõ của TP.HCM với Đồng Nai mà còn có tác động tích cực đến thị trường bất động sản Nhơn Trạch, bất động sản khu Đông Sài Gòn.
Thuộc giai đoạn 1 của dự án “khủng” Vành đai 3 TP HCM
Đường Vành đai 3 tại TP HCM dài hơn 90 km, quy hoạch từ 6 đến 8 làn xe, trong đó giai đoạn 1 gồm 6 làn xe.
Dự án chia làm 4 đoạn: Tân Vạn – Nhơn Trạch, Tân Vạn – Bình Chuẩn, Bình Chuẩn – quốc lộ 22 và từ quốc lộ 22 đến cao tốc TP HCM – Trung Lương cùng cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Trong đó, công trình cầu Nhơn Trạch nằm trong dự án đầu tư đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch đang được gấp rút triển khai, thi công.
Theo Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long, đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch dài khoảng 35 km hiện có 4 tiểu dự án.
+ Tiểu dự án 1A (từ tỉnh lộ 25B đến cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây) dài 8,7 km, sẽ thực hiện bằng vốn ODA (đầu tư nước ngoài), tổng mức đầu tư 5.329 tỷ đồng. Trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 625 tỷ đồng, tách thành tiểu dự án riêng do địa phương thực hiện.
+ Tiểu dự án 1B từ cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây đến nút giao trạm 2 (xa lộ Hà Nội) dài gần 9 km, sẽ đầu tư theo hình thức BOT với tổng vốn gần 4.000 tỷ đồng. Trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 1.053 tỷ đồng do địa phương thực hiện và nhà đầu tư chi trả.
+ Tiểu dự án 2A (từ cao tốc Bến Lức – Long Thành đến Tỉnh lộ 25B) và 2B (từ cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây đến nút giao Tân Vạn) hiện chưa xác định được phương thức và nguồn vốn đầu tư.
Cũng trên sông Đồng Nai, cách dự án cầu Nhơn Trạch hơn 5 km, dự án cầu Cát Lái thay cho phà Cát Lái, kết nối Đồng Nai và TP HCM, vốn đầu tư dự kiến 7.200 tỷ đồng, nhiều năm qua được người dân chờ đợi. Sau khi Thủ tướng đồng ý triển khai dự án, mới đây hai Sở Giao thông Vận tải (Đồng Nai và TP HCM) đã có buổi làm việc bàn phương án xây cầu.
Sau khi xem xét các phương án, hai sở cơ bản ủng hộ việc xây dựng cầu Cát Lái dài 3.782 m, phần cầu chính dài 650 m, quy mô 6 làn xe. Điểm đầu kết nối với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành tại xã Phước Khánh (Nhơn Trạch), vượt sông Đồng Nai và kết nối vào đường Vành đai 2 – TP HCM (cách đường dẫn cầu Phú Mỹ khoảng một km và cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 2,3 km).
Tiềm năng của Nhơn Trạch – Đồng Nai
Sở hữu thế mạnh về công nghiệp, dịch vụ cảng, hạ tầng liên kết với TP HCM, Nhơn Trạch thu hút nhiều dự án bất động sản nhà ở. Với lợi thế tập trung 9 khu công nghiệp, 2 cụm công nghiệp có tổng diện tích trên 3.600ha, Nhơn Trạch đã thu hút hàng trăm nghìn lao động và hơn 5.000 chuyên gia về sinh sống, làm việc.
Đáp ứng nhu cầu xuất – nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp lớn, Nhơn Trạch là thị trường sôi động cho các cảng hoạt động. Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có quy hoạch 44 cảng thì đa phần xoay quanh Nhơn Trạch. Huyện còn gần với cảng Cái Mép – nơi quy hoạch trở thành cảng trọng điểm của phía Nam.
Nhơn Trạch cũng lên kế hoạch xây dựng mới khu dịch vụ hậu cần cảng Phước An diện tích khoảng 375ha và hệ thống cảng dọc sông Nhà Bè với tổng diện tích khoảng 183ha. Ngoài ra, ưu thế nằm gần sân bay quốc tế Long Thành cũng giúp Nhơn Trạch tiếp tục thu hút phát triển cảng liên quan đến dịch vụ sân bay.
Với thế mạnh đặc biệt về cảng, đô thị mới Nhơn Trạch được quy hoạch thành khu đô thị công nghiệp – cảng, đô thị vệ tinh vùng TP HCM và hướng đến đô thị loại 2 trong năm 2020.