Nhiều đại gia BĐS đang kỳ vọng thay đổi bộ mặt du lịch giải trí trên đất Thủ đô

Động thái mới từ những “ông trùm” địa ốc đã và đang rót hàng chục nghìn tỷ đồng vào lĩnh vực BĐS du lịch giải trí, hứa hẹn sẽ tạo ra những công trình mang tầm thế giới, sánh ngang với các công viên chủ đề nổi tiếng như Disneyland.   Du lịch Việt Nam […]

Động thái mới từ những “ông trùm” địa ốc đã và đang rót hàng chục nghìn tỷ đồng vào lĩnh vực BĐS du lịch giải trí, hứa hẹn sẽ tạo ra những công trình mang tầm thế giới, sánh ngang với các công viên chủ đề nổi tiếng như Disneyland.
 

Du lịch Việt Nam vẫn thường được xem là thất thế so với nhiều nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan hay Malaysia, dù nước ta không thiếu các điểm đến với những bãi biển thuộc hàng đẹp nhất hành tinh, những danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa ngang tầm thế giới.

Nhưng, “mỏ vàng” hàng tỷ đô-la này chúng ta lại đang bỏ quên. Chẳng hạn như doanh thu du lịch của Thái Lan dự kiến 64 tỷ USD cho năm 2016, Malaysia khoảng 35 tỷ USD, Singapore khoảng 15,7 tỷ USD,…trong khi, con số này ở Việt Nam ước tính hàng năm khoảng 15 tỷ USD.

Du khách hiện nay đi du lịch không chỉ ngắm cảnh đẹp hay liệt kê chỗ ngủ, mà họ còn có rất nhiều nhu cầu khác từ mua sắm (Shoping), vui chơi giải trí, thư giãn, chăm sóc sức khỏe (Entertainment) thì đa phần các điểm du lịch của chúng ta còn hạn chế. Đây được xem là nguyên nhân chính khiến du lịch VN kém hấp dẫn du khách.

Chia sẻ về điều này, ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký HH BĐS Việt Nam cho rằng, thời gian qua phần lớn chủ đầu tư mới chỉ đầu tư vào các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khu lưu trú hạng mục đáp ứng nhu cầu ở và khai thác cơ hội đầu tư cho thuê chỗ ở. Nhu cầu mua sắm và giải trí lại chưa được quan tâm đầu tư. Vì thế, trong tương lai gần lĩnh vực BĐS du lịch giải trí sẽ có cơ hội lớn.

Thực tế, không phải chúng ta chưa có những khu vui chơi giải trí ngang tầm thế giới. Những “ông trùm” địa ốc nhanh chân cũng đã rót hàng chục nghìn tỷ đồng vào mảng kinh doanh này. Điển hình như “ông vua” cáp treo SunGroup với hệ thống Bà Nà Hills (Đà Nẵng) xây 2007 đạt 4 kỷ lục thế giới, cáp treo dài nhất thế giới 7km từ thung lũng Mường Hoa lên đỉnh Fansipan (độ cao 3.143 m), công viên Asia Park vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng tại trung tâm Đà Nẵng; Chuỗi vui chơi giải trí Vinpearl Land; Công viên nước Đầm Sen (Sài Gòn), khu du lịch Đại Nam (Bình Dương)…

Thế nhưng, chừng đó cũng không thể đáp ứng nhu cầu luôn quá tải khiến khách du lịch ngộp thở mỗi dịp lễ, tết. Chúng ta vẫn thường chứng kiến cảnh chen chân từng centimet ở Đầm Sen, hàng vạn người đổ về bãi biển Nha Trang, Đà Nẵng cũng chỉ để tắm biển, dòng người không nhúc nhích dịp lễ hội Đền Hùng…

Phải chăng điều này đã khiến ngành du lịch trong nước đã mất đi hàng tỷ đô-la mỗi năm bởi chính người Việt đem tiền sang nước khác tiêu? Theo Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, mỗi năm có khoảng 5 triệu lượt khách Việt đi du lịch nước ngoài, chi tiêu khoảng 6 tỷ USD (con số này trong năm 2012 chỉ khoảng 3,5 tỷ USD).

Vì thế, có lẽ một cuộc cách mạng ngành du lịch đang bắt đầu với lĩnh vực BĐS du lịch giải trí. Chỉ vài năm nữa, sẽ bùng nổ các mô hình “Disneyland” ngang tầm thế giới. Ngay cả Thủ đô quy mô hơn 8 triệu dân nhưng cũng chưa có một khu vui chơi giải trí nào tầm cỡ, vì vậy mà chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới đây cho biết trong 5 năm tới Hà Nội sẽ xây 25 công viên với 5 công viên đạt tiêu chuẩn thế giới. Trong đó, sẽ có những công viên đẹp như Disneyland nổi tiếng thế giới”, khởi đầu sẽ là dự án công viên Kim Quy 198ha gần cầu Nhật Tân.

Theo nghiên cứu của Tập đoàn SunGroup, thì mới chỉ có 10% khách du lịch đến HN tăng chi tiêu cho vui chơi giải trí, lượng khách tăng lưu trú ở lại (tức 2 ngày trở lên) vẫn chưa cao. Nói như Tổng Giám đốc SunGroup Đặng Minh Trường, Hà Nội có vị trí đẹp, đứng đầu về thu hút du lịch…cần đầu tư hệ thống công viên, khu vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế, được thiết kế và quản lý như những công viên nổi tiếng thế giới khác như Sentosa của Singapore, Hồng Kông Disneyland, Universal Studios Florida (Mỹ)…

Tập đoàn SunGroup cũng như nhiều đại gia BĐS đang kỳ vọng thay đổi bộ mặt du lịch giải trí trên đất Thủ đô với hàng loạt dự án tầm cỡ. SunGroup cam kết đầu tư công viên, khu vui chơi giải trí cho Hà Nội thu hút khách du lịch, Indochina Land đầu tư vào khu công viên ở Cầu Giấy,…

Lĩnh vực BĐS du lịch giải trí còn được nhiều “ông lớn” BĐS khác rót hàng tỷ đô la vào các mô hình “Disneyland” ở những thành phố du lịch nổi tiếng. Công viên Asia park 10.000 tỷ ở Đà Nẵng, công viên Đại dương Hạ Long 6.000 tỷ của SunGroup; u quay 3 chiều, hệ thống làn trượt Alpine Coaster dài tới 1.760m… ở Nha Trang;

Hay “Disney Land của Việt Nam” – Vinpearl Land Phú Quốc có quy mô 170.000 m2 với các tòa lâu đài, cửa hàng và khu vui chơi xinh xắn như bước ra từ thế giới cổ tích, Vườn thú Safari hay sắp tới là khu vui chơi giải trí kết hợp casino ở Phú Quốc của Tập đoàn VinGroup…là những trường hợp điển hình.

Và mới đây, tại Đà Nẵng Tổ hợp du lịch giải trí được cho là bậc nhất Đông Nam Á –CocoBay Đà Nẵng đã được khởi công, do tập đoàn Empire là chủ đầu tư, đơn vị thiết kế đến từ Dubai đảm nhiệm, lấy cảm hứng từ thiên đường giải trí thế giới Las Vegas (Mỹ). Được biết, số vốn đầu tư lên tới 11.000 tỷ đồng và sẽ đi vào hoạt động giai đoạn 1 vào năm 2017. Gồm rất nhiều những hạng mục giải trí như sân khấu ngoài trời 2000 chỗ, câu lạc bộ Beach Club, phố đi bộ, lễ hội…

Có thể thấy, “cuộc chơi tỷ đô” ở mảng BĐS du lịch giải trí ngày càng sôi động với sự xuất hiện của nhiều “ông lớn” địa ốc.  Chắc chắn một vài năm tới khi những siêu dự án này thành hình, sẽ có nhiều du khách đến với VN hơn, những “thiên đường nghỉ dưỡng” như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ninh…cũng sẽ xứng tầm hơn.