Bất chấp tính pháp lý, nhiều người có nhu cầu chỗ ở vẫn mua vào đất vườn, đất đồi gần khu công nghiệp để xây nhà do giá rẻ. Mua bán đất nhảy dù, chổ thắng lớn, nơi thua đậm tại Bình Dương và Đồng Nai. Có cầu ắt có cung, mua bán đất “nhảy dù” khá sôi động tại Bình Dương, Đồng Nai.
Theo chân cò đất tại phường Long Bình, TP. Biên Hòa, Đồng Nai, chị Hương đánh cược mua liền 5 lô đất được cắt ra từ vùng đồi thấp của một hộ dân với giá 85 triệu đồng/lô có diện tích 100 m2. Xung quanh khu đất chị Hương mua, rất nhiều hộ dân đã mua đất, xây nhà (tất nhiên là xây chui) nhưng vẫn lắp đặt đầy đủ hệ thống điện, nước, đường đi lối lại không đến nỗi chật chội. Đối với dạng đất này, mua bán chỉ có giấy tờ viết tay.
Chị Hương tính, trường hợp xấu nhất không bán lại được thì chị vẫn có thể xây được nhà có vườn rộng rãi chỉ với trên 400 triệu đồng tiền đất, rẻ hơn nhiều so với việc mua đất phân lô của các dự án khu đô thị gần đó.
Gần 6 tháng sau, chị Hương đã rao bán với giá 120 triệu đồng/lô, một cò đất chủ động tìm đến mặc cả: “Chị cho em 10 triệu, em bán luôn cho chị”. Chẳng mấy vất vả, chị bán được cả 5 lô đất. Như vậy, với 425 triệu đồng đầu tư ban đầu, chị Hương thu lời 165 triệu đồng sau 6 tháng.
Trao đổi với ông Tạ Huy Hoàng, Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai về việc mua đất nhảy dù, xây dựng trái phép, ông Hoàng cho biết: “Trong khả năng của mình Sở đã làm rất quyết liệt, nhưng tính trung bình mỗi ngày có đến vài chục căn nhà được xây dựng kiểu trái phép này. Đồng Nai hiện có trên 850.000 công nhân lao động, 70% trong số này là lao động nhập cư.
Trong khi nhà ở xã hội và cả phòng trọ của tư nhân cũng không đáp ứng được nhu cầu chỗ ở của người nhập cư nên việc họ mua đất nông nghiệp, xây nhà trái phép cũng có lý do. Thực ra, chỉ cần không cấp điện nước thì lượng người mua đất xây dựng sẽ giảm hẳn, nhưng xét đến cùng, mọi người đều phải có chỗ để ở. Sở Xây dựng công bố quy hoạch để người dân nắm và thực hiện”.
Theo khảo sát của Đầu tư Bất động sản, mỗi năm, tại phường Long Bình, TP. Biên Hòa, có từ 5.000 – 7.000 lao động nhập cư, kéo theo gia đình, con cái nên hiện tượng cắt đất vườn, đất đồi ra bán xảy ra thường xuyên. Hiện tượng này sẽ ngày càng gia tăng nếu chỗ ở của lao động nhập cư chưa được giải quyết.
Trong khi nhiều người tham gia buôn bán đất “nhảy dù” thuộc TP. Biên Hòa thắng lớn thì tại thị trường Bình Dương lại thua to. Anh Thanh mua lô đất rộng hơn 300 m2 gần Khu công nghiệp VSIP I với giá 2,1 triệu đồng/m2, sau hơn 1 năm đầu tư giờ rao bán 1,7 triệu đồng/m2 mà chẳng ai mua. Khi mua anh Thanh cũng tính giá đất dự án cách đó khoảng 1 km đã là 4 triệu đồng/m2.
Anh Tiến, người môi giới nhà đất tại thị xã Dĩ An – Bình Dương cho biết: “Đã chơi đất nhảy dù Bình Dương là phải chơi lô to và phải gần các khu công nghiệp, không bán được còn tính xây phòng trọ cho thuê. Nhưng chơi đất nhảy dù ở đây thua nhiều hơn thắng”.
Bình Dương và Đồng Nai đều là 2 tỉnh tập trung nhiều lao động nhập cư, nhưng tại sao buôn đất nhảy dù Đồng Nai có thể thắng, còn tại Bình Dương lại thua đậm? Điều này chỉ có thể được lý giải: Bình Dương đã có quy hoạch đất trước khi xây dựng các khu công nghiệp. Ngay thành phố mới Bình Dương hạ tầng đã hoàn thiện, nhưng dân cư vẫn rất thưa thớt, nhà đầu tư không thể có cơ hội kiếm lời ngay trên bất động sản. Trái lại, TP. Biên Hòa là một đô thị lâu đời, KCN được hình thành trước khu dân cư nên quỹ đất ở của TP Biên Hòa rất hạn chế, trong khi lao động nhập cư tăng mạnh. Nguồn cung nhà ở luôn thiếu trầm trọng so với nhu cầu nên cơ hội cho đất nhảy dù nhiều hơn.
Tuy nhiên, không phải lúc nào chơi đất nhảy dù tại Đồng Nai cũng thắng. Chẳng may “ôm” phải mảnh đất trong quy hoạch hoặc khu vực “kiên quyết giải tỏa” thì xem như người mua mất trắng.