Thị trường bất động sản (BĐS) có lúc tăng trưởng "nóng", có lúc "đóng băng" nhưng nguồn vốn luôn phụ thuộc kênh tín dụng ngân hàng. Đây chính là một điểm yếu khiến thị trường BĐS bị tác động mạnh mỗi khi có thay đổi về chính sách tín dụng.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, tín dụng ngân hàng vẫn là kênh quan trọng số một đối với thị trường BĐS. Các ngân hàng cũng "thích" cho vay BĐS vì có tài sản thế chấp; thị trường có thể suy giảm trong ngắn hạn nhưng dài hạn vẫn là thị trường nền tảng. Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư BĐS toàn cầu GP.Invest Nguyễn Quốc Hiệp cũng nhận định, nguồn vốn phát triển dự án BĐS thương mại chủ yếu ở 3 nguồn chính là vốn doanh nghiệp, vốn khách hàng ứng trước và vốn tín dụng. Tuy nhiên, với phần lớn dự án BĐS thương mại, nguồn vốn được "trông cậy" là tín dụng ngân hàng.
Việc phụ thuộc vào một kênh vốn là điểm yếu của thị trường BĐS hiện tại dù đã phát triển mạnh hơn 10 năm nay. Câu chuyện "thời sự" đối với thị trường BĐS là việc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN (Quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) theo hướng giảm sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, mà chủ yếu nhằm vào dự án BĐS và nâng hệ số rủi ro các khoản phải đòi của dự án BĐS.
Theo Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn của CBRE Việt Nam, bà Nguyễn Hoài An, với thị trường BĐS phát triển, ngoài kênh tín dụng ngân hàng, còn có nhiều kênh huy động vốn khác như phát hành trái phiếu hay quỹ BĐS. Tuy nhiên, ở Việt Nam, kênh tín dụng ngân hàng vẫn là chủ yếu.
Vì vậy, bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách tín dụng cũng tác động mạnh đến thị trường BĐS. Tương đồng với ý kiến này, bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận nghiên cứu Savills Việt Nam cho rằng, hiện thị trường chưa bị tác động nhiều trước thông tin Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư 36 hay việc gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ dừng ký hợp đồng mới sau khi đã cam kết cho vay vượt hạn mức. Tuy nhiên, chắc chắn tín dụng cho thị trường BĐS sẽ bị hạn chế, gây khó khăn nhất định cho chủ đầu tư, người mua nhà.