Khi người viết tiếp xúc với một số chủ đầu tư để phản ảnh về việc dự án chậm triển khai, đa số các doanh nghiệp này đều “kêu trời” với thủ tục hành chính. Quả thật, có tìm hiểu mới thấu cái khó của các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Đầu tư Bất động sản, với khoảng 30 loại giấy phép cần phải có, khoảng thời gian để một dự án hoàn tất về hồ sơ, thủ tục hành chính chiếm tới 70% tổng thời gian triển khai một dự án. Khoảng thời gian này được tính bằng năm, thậm chí là nhiều năm, đến khi dự án có thể được khởi công, thì cơ hội đã qua.
Vì vậy, để dự án sớm được triển khai, không bỏ lỡ cơ hội, doanh nghiệp buộc phải “chạy”. Và để “chạy” nhanh, dĩ nhiên phải có phí “bôi trơn”! Nói về phí “bôi trơn”, các doanh nghiệp đều không muốn công khai, vì đây là vấn đề… tế nhị, nhưng cũng không ai phủ nhận là không có.
Dĩ nhiên, đây là chi phí bất hợp pháp, nên không có giấy tờ thu chi. Dù vậy, bằng cách này, hay cách khác, nó vẫn được doanh nghiệp đưa vào giá thành và người chịu thiệt là người mua nhà.
Trò chuyện với lãnh đạo một doanh nghiệp đầu tư bất động sản, người viết được chia sẻ: Khi khoán cho đơn vị thi công 100 tỷ đồng, thì họ sẽ cắt lại chừng 5-10%, hay khoán cho công ty tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, quản lý dự án một gói thầu 5 tỷ đồng, thì sẽ đặt điều kiện trích lại 10%; hoặc họ mua vật tư như thiết bị điện, thang máy trị giá 2 tỷ đồng, thì yêu cầu người bán hàng nâng lên 10-20% và lấy các chi phí đó bù vào…
Bài học từ các vụ án giãn dân phố cổ, hay vụ án xảy ra tại dự án Petromaning khiến các cựu lãnh đạo Công ty Hồng Hà, Công ty Petromaning bóc lịch hàng chục năm trời, trong khi khách hàng khó đòi lại được tiền, vẫn còn nguyên tính thời sự. Không chỉ doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác cũng gặp nhiều khó khăn với thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh địa ốc nói riêng đang kỳ vọng những vướng mắc này sẽ được tháo gỡ trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước ngành xây dựng cần cải cách quy trình, thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng và các thủ tục hành chính có liên quan đến quản lý xây dựng công trình. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian trong cấp phép xây dựng. Đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian và chi phí cấp phép xây dựng. Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường lồng ghép thủ tục thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường với thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng…
Thông điệp và hành động trên của Chính phủ đã tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, bởi ngoài vấn đề vốn, thì khâu gây khó khăn, cản trở doanh nghiệp Việt “lớn nhanh” chính là thủ tục hành chính.