Nhà xong nhưng khách hàng không dám ký hợp đồng mua bán. Đó là thực trạng ở một số dự án nhà ở xã hội hiện nay.
Gói 30 nghìn tỷ kết thúc, nhiều khách hàng là những người thu nhập thấp ở đô thị cũng đành ngậm ngùi bỏ dở “giấc mơ an cư”. Cả chủ đầu tư và nhiều khách hàng vẫn đang mong chờ và hy vọng sẽ có thêm những gói tín dụng ưu đãi như gói 30 nghìn tỷ.
Dự án nhà ở xã hội Bamboo Garden (Khu đô thị Sunny Garden City, Quốc Oai, Hà Nội) do Tập đoàn CEO Group làm chủ đầu tư gồm 2 tòa chung cư, tổng số 435 căn hộ, hiện đã hoàn thành cả 2 tòa CT9A và CT9B, sẵn sàng bàn giao cho khách hàng. Mặc dù được nhiều khách hàng quan tâm và nộp hồ sơ đăng ký mua nhà, nhưng hiện tại hàng loạt khách hàng đã không dám ký hợp đồng mua bán.
Đã tiếp nhận 1.000 hồ sơ đăng ký mua nhà, nhưng thế nhưng hiện chủ đầu tư vẫn chưa ký một hợp đồng mua bán nào với khách hàng. Nguyên nhân cũng được đại diện chủ đầu tư giải thích là do hết gói 30 nghìn tỷ.
Mong mỏi gói ưu đãi mới
Theo ông Nguyễn Kim Giang, nếu không có chính sách tín dụng dài hạn cho lĩnh vực nhà ở xã hội thì rất khó để phát triển nhà ở xã hội. “Doanh nghiệp cũng có thể hỗ trợ được cho khách hàng nhưng chỉ phần nào bởi vì tham gia vào lĩnh vực nhà ở xã hội các doanh nghiệp đã bị khống chế lãi suất ở mức 10%. Nếu trích từ 10% lãi suất đó ra thì doanh nghiệp cũng chỉ có thể hỗ trợ khách hàng được 1 đến 2 năm đầu với mức lãi suất 5% như gói ưu đãi. Nhưng những năm tiếp theo thì khách hàng sẽ không thể kham nổi với lãi suất thương mại”, ông Giang nói.
Theo vị này thì phát triển nhà ở xã hội là một chiến lược dài hơi đã được đưa vào Luật và trong Nghị định. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cần thiết phải xây dựng chính sách, những gói vay ưu đãi theo hướng dài hạn cho người nghèo. “Nếu chính sách thay đổi chóng mặt như hiện nay thì khổ nhất vẫn là người mua nhà. Bên cạnh đó cũng sẽ khó thu hút doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Bỏ vốn xây nhà lên mà không bán được thì ai muốn tham gia”, ông Giang cho hay.