Việc áp thuế đất tại TP.HCM sẽ có thể ngăn chặn cơn sốt đất tại TP.HCM trong thời gian tới. Kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng đất của địa phương, nghiêm khắc phạt nặng những trường hợp làm thay đổi mục đích sử dụng đã nêu trong quy hoạch và buộc phục hồi mục đích sử dụng ban đầu đã quy định.
Áp thuế có thể hạ nhiệt cơn sốt đất ?
Hiện nay có nhiều cơn sốt đất khiến cho việc quản lý của cơ quan bàn ngành khó nắm được tình hình, xuất hiện nhiều cơn sốt ảo. Và biện pháp đánh thuế đất, áp thuế theo giá thị trường, giới hạn thời gian giao dịch đất…cũng có thể ngăn chặn sốt đất.
Theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế – Marketing Đại học Kinh tế Tp.HCM, trong những tháng đầu năm 2018, cơn sốt đất Sài Gòn vẫn tiếp tục diễn ra và có thể khiến tích tụ bong bóng bất động sản. Vị chuyên gia này cho rằng, có ít nhất 4 giải pháp để hãm đà tăng và chặn đứng cơn sốt đất này.
Đánh thuế đất
Ông Nghĩa cho hay, trên thế giới, nhiều quốc gia có thị trường địa ốc phát triển vẫn quản lý tài nguyên đất bằng cách đánh thuế. Đây là một giải pháp khá hiệu quả. Việc đánh thuế không rập khuôn mà thường đa dạng và linh hoạt. Chẳng hạn sẽ đánh thuế nặng với những khu đất bỏ hoang, trì hoãn xây dựng, không đưa vào khai thác nhằm mục đích chờ tăng giá. Để chống đầu cơ, cơ quan quản lý có thể đánh thuế lũy tiến mảnh đất bỏ hoang thứ hai, thứ ba trở đi. Thuế đất vừa là công cụ điều tiết thị trường, vừa chống lãng phí tài nguyên đất đai.
Định giá đất theo thị trường để áp thuế
Cơ quan quản lý sẽ lập đơn vị độc lập tiến hành việc định giá đất theo cơ chế lên xuống của thị trường thay vì để người nắm giữ đất tự khai báo giá đất và nộp thuế theo mức giá này. Mức giá trung lập này được sử dụng công khai làm cơ sở áp thuế và có liên thông với ngành thuế. Tại Việt Nam nói chung và Tp.HCM nói riêng, việc định giá bất động sản để áp thuế tài sản (nhà cửa, đất đai) đều do bên mua bán tự khai báo. Thông thường, so với giá thị trường, mức giá này thấp hơn rất nhiều. Việc áp thuế đất theo giá thị trường có thể giúp bất động sản thoát cảnh người người, nhà nhà ôm đất. Bởi, họ sẽ phải cân nhắc đến khoản thuế lớn phải nộp trước khi quyết định đầu tư.
Giới hạn thời gian giao dịch
Khi giao dịch đất nền, người mua vào chỉ được bán ra khi đạt một thời gian nhất định. Quy định trước đây chỉ dừng lại ở việc hoàn tất xây dựng công trình trên đất theo đúng quy hoạch mới được cấp giấy chủ quyền. Tuy nhiên, ràng buộc này vẫn chưa đủ độ cứng rắn. Để hạ nhiệt cơn sốt đất, một số quốc gia đã áp dụng biện pháp giới hạn thời gian bán lô đất khi đã mua vào. Lĩnh vực chứng khoán cũng áp dụng cách này để chống đầu cơ, tránh làm thị trường bị nhiễu loạn.
Xem thêm: http://canhoban.net/tin-tuc
Quản lý đất theo cơ chế đặc thù
Tp.HCM là đô thị được thí điểm cơ chế đặc thù. Theo đó, lãnh đạo thành phố có thể nghiên cứu đưa ra những tiêu chí riêng cho lĩnh vực đất đai tại địa phương và áp dụng linh hoạt theo thực tế. Nhờ vậy, thị trường bất động sản tại thành phố sẽ minh bạch và năng động hơn.
Ông Nghĩa cho rằng, về lý thuyết, những giải pháp trên đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng thành công để hạ nhiệt cơn sốt đất. Khi thực thi các chế tài một cách mạnh mẽ, đánh vào nghĩa vụ của người nắm đất, họ sẽ dè dặt hơn khi quyết định đổ tiền vào đất. Thị trường khi đó sẽ cân bằng hơn và giá đất cũng sẽ hạ nhiệt. Bởi càng giữ nhiều đất, số tiền thuế phải đóng sẽ càng nhiều.
Tuy nhiên, ông Nghĩa đánh giá, không dễ để áp dụng gói giải pháp này tại Việt Nam vì thị trường chưa từng có tiền lệ. Việc đánh thuế theo giá thị trường, giới hạn thời gian giao dịch, siết chặt quy hoạch đòi hỏi các hệ thống cơ quan quản lý phải phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ. Bên cạnh đó, hạ tầng dữ liệu đất đai cũng phải thật hoàn chỉnh.